Điện lực Trị An: làm lợi hơn 200 triệu đồng từ việc tự khoan giếng tiếp địa

Công nhân Điện lực Trị An đang khoan giếng tiếp địa tại trạm biến áp Thạnh Phú 6 (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).
Trong năm 2020, qua kiểm tra rà soát hệ thống lưới điện trên địa bàn quản lý, Điện lực Trị An (Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai) có 54 vị trí tiếp địa trạm biến áp, tiếp địa thiết bị đã xuống cấp, có điện trở nối đất cao so với quy định, cần được khắc phục, sửa chữa.
Tuy nhiên, việc đóng cọc tiếp địa kết lưới tốn kém nhiều chi phí, chiếm nhiều diện tích mà độ sâu không đạt yêu cầu kỹ thuật. Mỗi vị trí tiếp địa ít nhất phải đóng 8 cọc, mỗi cọc chỉ đóng sâu được 2,7m và khoảng cách giữa các cọc là 03m. Như vậy, để hoàn thành một vị trí tiếp địa sẽ chiếm diện tích khoảng 27m2. Do đó, có những cọc phải đóng ra mép đường, phần đất xung quanh nên dễ xảy ra mất mát, hư hỏng do người dân xây dựng nhà cửa, mương thoát nước,… Ngoài ra, huyện Vĩnh Cửu là khu vực có nhiều đất sỏi cứng, có điện trở suất cao nên phải khoan sâu và phải có máy mới thực hiện được.
Trước đây, việc khoan giếng tiếp địa Điện lực Trị An phải thuê đơn vị ngoài thực hiện. Chi phí 4 triệu đồng/một giếng sâu 20m. Theo kế hoạch năm 2020, Điện lực sẽ khoan 51 giếng tiếp địa cho các vị trí trạm biến áp, thiết bị và 03 giếng tiếp địa cho chống sét lan truyền trên đường dây. Với khối lượng công việc trên, Điện lực Trị An sẽ phải thuê ngoài với chi phí là 216 triệu đồng. Việc thuê ngoài vừa tốn nhiều chi phí nhưng không phải lúc nào cũng thuê được kịp thời, dẫn đến đơn vị bị động trong công tác.
Để tiết kiệm chi phí và chủ động trong công tác, Điện lực Trị An đã ứng dụng sáng kiến đã được Công ty công nhận về “Chế tạo máy khoan tiếp địa phục vụ công tác” vào thực tế. Theo đó, Điện lực Trị An đã mua vật tư phụ kiện để tự gia công lắp ráp máy khoan tiếp địa, với tổng chi phí là 27 triệu đồng.
Với chiếc máy khoan tự lắp ráp, trong một ngày Điện lực Trị An có thể khoan và hoàn thành đấu nối được 02 giếng tiếp địa. Nếu thuê đơn vị ngoài thì cùng với thời gian đó, Điện lực cũng phải bố trí 02 người để thực hiện công đoạn lắp đặt, đấu nối vào hệ thống.
Bằng cách tự khoan giếng tiếp địa như vậy, đơn vị vừa tận dụng được nguồn nhân lực để tự thực hiện, tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo chất lượng công trình. Tính đến ngày 15/11/2020, Điện lực Trị An đã thực hiện hoàn thành 41/54 vị trí tiếp địa. Các vị trí còn lại, đơn vị sẽ hoàn tất trong năm 2020.
Phi Hùng - Linh Phụng - PC Đồng Nai
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn